Trường Cao đẳng GTVT Trung ương VI được thành lập từ năm 1976 của Bộ GTVT là trường đào tạo đa cấp, đa ngành, tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Trường được xếp vào các trường hàng đầu trong nước và khu vực ASEAN.
Thông báo

[Đăng ngày: 29/08/2018]


Ngay từ lúc này, lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế đã bắt đầu cho thấy những hình dung ngày càng rõ nét về thị trường ôtô Việt Nam, với năm 2018 là điểm khởi đầu.
Trước hết, cần khẳng định một nguyên tắc là các sắc thuế được ban hành không dựng lên những hàng rào kỹ thuật mà qua đó, tách bạch giữa ôtô hạng sang với các loại ôtô khác. Sự phân biệt thường chỉ dựa trên các tiêu chí về dung tích xi-lanh động cơ hay các tiêu chuẩn khí thải nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Xe sang lép vế
Tại sao xe hơi hạng sang lại gặp khó? Câu trả lời nằm ở yếu tố nguồn gốc, xuất xứ.
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%.
Lộ trình cắt giảm thuế sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn nhằm phù hợp hơn với thực tế và cũng để… “chống sốc” cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
 Vấn đề ở chỗ, hiện nay và kể cả trong một thập kỷ tới, sẽ chưa có hãng ôtô hạng sang nào mở nhà máy đủ lớn tại các nước ASEAN phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.
Đa số các thương hiệu sang trọng như Audi, Mercedes-Benz, Porsche, BMW, Lexus, Cadilac… đều được sản xuất tại bản quốc là Đức, Mỹ hay Nhật Bản… Có chăng, quy mô nhà máy cũng chỉ ngang tầm với nhà máy mà Mercedes-Benz đang đặt tại Việt Nam.
Bởi vậy, nếu đà giảm thuế ATIGA diễn ra càng nhanh thì đồng nghĩa, giá các loại ôtô nhập khẩu từ khu vực này càng chóng rẻ. Trong khi đó, xe sang đều được nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực ASEAN nên giá bán vẫn sẽ tiếp tục ngất ngưởng dài hạn do thuế nhập khẩu duy trì ở mức cao.
Lưu ý rằng, khoản thuế nhập khẩu cộng với giá CIF hoặc giá tính thuế do ngành hải quan quy định sẽ là món tiền cơ sở để hàng loạt các loại thuế – phí khác như tiêu thụ đặc biệt, GTGT hay trước bạ nhân lên.
Điểm lưu ý nữa là sẽ không có chuyện xe sang đi vòng để hưởng ưu đãi thuế. Trong các biểu thuế ưu đãi được ngành tài chính xây dựng và ban hành luôn quy định rất rõ hàng hóa phải được nhập khẩu trực tiếp từ quốc gia đó.
Chẳng hạn, không thể có chuyện các thương nhân đưa lô xe Audi từ Trung Quốc qua Đông Nam Á rồi mới nhập khẩu về Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế.
Xe phổ thông đắc lợi
Trong khi đó, hầu hết những loại xe phổ thông lại nắm lợi thế rất lớn về giá bán do việc giảm thuế đem lại. Trên thực tế, viễn cảnh thị trường ôtô Việt Nam ngập tràn xe có xuất xứ Đông Nam Á kể từ năm 2018 đã không ít lần được giới truyền thông nhắc đến.


Tại thị trường ôtô Việt Nam hiện nay, xe mang các thương hiệu Toyota, Ford hay Honda… đang chiếm thị phần áp đảo. Hầu hết các hãng xe này đều đang có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai.
Tất cả các nhà máy này đều có quy mô lớn hơn và thậm chí gấp nhiều lần so với các nhà máy mà tập đoàn đó đặt ở Việt Nam.
Khoảng hai năm trở lại đây, bản thân các tập đoàn ôtô lớn cũng đã thể hiện rõ xu hướng tập trung sản xuất tại Thái Lan và Indonesia, từ đó xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi nói chung.
Điển hình là Toyota và Ford mới đây đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy tại Thái Lan và Indonesia với số vốn đầu tư tại mỗi nhà máy từ 200 đến 400 triệu USD, bằng tổng số vốn mà các hãng đó đầu tư trong suốt gần 20 năm tại Việt Nam.
Gần đây nhất, Nissan cũng đã khánh thành nhà máy mới có vốn đầu tư hơn 110 triệu USD tại Thái Lan.
Cách đây vài năm, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN bước vào lộ trình cắt giảm, các liên doanh ôtô tại Việt Nam bắt đầu thu hẹp danh mục sản phẩm lắp ráp trong nước (CKD) để bù đắp vào đó bằng các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia. Ngay thời điểm này, cũng có ít nhất 10 mẫu xe đang được các nhà phân phối tại Việt Nam nhập khẩu từ hai quốc gia trong khu vực.
Trong bối cảnh sức ép hội nhập ngày càng đè nặng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam một mặt phải kiến nghị và hiến kế với các cơ quan Chính phủ có cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo sức bật cho ngành công nghiệp ôtô trong nước. Mặt khác, vẫn phải “phòng thân” bằng việc từng bước “đặt chỗ” trước cho thị trường xe CBU.
Thực tế cũng cho thấy rất rõ xu hướng này. Dù theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giai đoạn 2012-2014, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm khá chậm, từ 70% năm 2012 xuống 50% vào năm 2014 đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi song kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này đã không ngừng tăng lên.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ ASEAN 5 tháng đầu năm 2014 đạt 4.282 chiếc với giá trị kim ngạch 65,37 triệu USD, tăng 1.104 chiếc về lượng và tăng 11,92 triệu USD về giá trị so với cùng kỳ 2013.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia láng giềng Thái Lan đạt 3.575 chiếc và 58,49 triệu USD, tăng 899 chiếc về lượng và tăng 9,45 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ Indonesia đạt 707 chiếc và 6,86 triệu USD, tăng 205 chiếc về lượng và tăng 2,46 triệu USD về giá trị.
Với đà tăng mạnh như vậy, viễn cảnh thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập xe có xuất xứ Thái Lan hay Indonesia là rất rõ ràng. Và đây chính là một cảnh báo mạnh đối với sự chần chừ và yếu kém của công nghiệp ôtô trong nước.













Đang online: 217


Số lượt truy cập: 5203324

Doanh nghiệp đối tác